Hôm nay (16/12), dự kiến nhóm ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng khoảng 6.686 tỷ đồng cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Nếu nút thắt này được tháo gỡ, cao tốc sẽ tiếp tục triển khai.
Sáng ngày 16/12, trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Dự kiến trong ngày hôm nay, nhóm ngân hàng (do Vietinbank làm đầu mối) sẽ ký hợp đồng tín dụng khoảng 6.686 tỷ đồng, tháo gỡ nút thắt cuối cùng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hai lần đổi chủ, điều chỉnh tổng mức đầu tư
Theo thiết kế, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 51,1 km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Dự án được khởi công lần đầu vào ngày 29/11/2009 nhưng không được thi công. Đến năm 2014, dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm là 14.678 tỷ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỷ đồng.
Mới đây, dự án tiếp tục được điều chỉnh vốn đầu tư lên khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.833 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải vào năm 2017.
Cuối năm 2018, ngân hàng dừng giải ngân cho dự án do một số lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (là một trong 6 công ty trong liên doanh nhà đầu tư với vốn góp 30% cho tổng dự án) có liên quan đến vụ án hình sự.
Đến tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 99 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT tải sang UBND tỉnh Tiền Giang. Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang triển khai dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đảm bảo dự án về đích vào năm 2020.
Đã có dòng tiền cho dự án
Như vậy, sau 10 năm thi công, dự án vẫn ì ạch, đến năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện giải cứu dự án nhưng suốt năm qua, nguồn vốn cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị tắc.
Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang nhiều lần làm việc với các bộ ngành, ngân hàng yêu cầu sớm giải ngân cho nhà thầu. Tuy nhiên, với nhiều tính toán về tính khả thi nên phía ngân hàng vẫn chần chừ.
Đầu tháng 12/2019, Nhà nước đã chi 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án này.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: "Đây là nguồn vốn cần thiết và rất đúng lúc đối với chúng tôi. Một cú hích đầy hứng khởi để chúng tôi tiếp tục nỗ lực thực hiện dự án đúng như kế hoạch đề ra. Đồng thời, để ngân hàng yên tâm cho vay vốn".
Chỉ 2 tuần sau khi được "bơm" vốn, cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tiếp tục nhận được tin vui khi ngày 16/12, các ngân hàng hợp vốn cho vay gồm: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank dự kiến sẽ đồng ý ký hợp đồng cho dự án vay vốn
Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Đến nay, các thủ tục pháp lý, cũng như những quan ngại về rủi ro trước đây từ phía ngân hàng đã được nhà đầu tư cơ bản đáp ứng. Dự kiến, sáng ngày 16/12, doanh nghiệp dự án và các ngân hàng sẽ ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 6.686 tỷ đồng, tháo gỡ nút thắt cuối cùng cho dự án”.
Nguồn: Vietnam Finance